Để khắc phục sự nghèo nàn tài liệu của giai đoạn Lý-Trần, tác giả đã và đang cố gắng khai thác tài liệu văn khắc. Trong bài này tác giả sẽ tập trung khai thác và phân tích các thông tin văn khắc về quan chế thời Lý, nhất là các thông tin về quan hiệu và tước vị của những viên quan hầu cận hoàng đế. Nghiên cứu này sẽ góp phần làm sáng tỏ quốc gia Đại Việt trong giai đoạn đầu phát triển, đã dân tộc hóa - bản địa hóa mô hình nhà nước Trung Hoa thời Đường - Tống như thế nào. Theo nhận xét sơ bộ của tác giả, quan tước của các viên quan hầu cận thời Lý như Lý Thường Kiệt, Lưu Khánh Đàm, Đỗ Anh Vũ, v.v... về cơ bản theo mô hình Trung Quốc thời Đường - Tống sơ. Ngoài hai yếu tố cơ bản nhất là tản quan (biểu thị quan giai), chức sự quan (biểu thị chức vụ), còn có các yếu tố phụ như huân quan, kiểm hiệu quan, kiêm quan, trấn quan, hiệu công thần, hiệu tướng quan, tước vị, thực ấp và thực phong, v.v... cũng được ghi chép trong tài liệu văn khắc. Uy quyền của các nhân vật trên chủ yếu dựa vào chức sự quan của họ có thể điều khiển Tỉnh Nhập nội nội thị (tổ chức nội quan) và bộ đội Điện tiền (bộ đội hầu cận). Các thủ lĩnh địa phương lấy công chúa cũng được bán cho quan tước tương tự trừ chức sự quan. Có một điều lý thú là không thấy ảnh hưởng nào của quan chế Nguyên Phong được Tống Thần Tông thi hành sau năm 1080. Có lẽ điều này không chỉ thể hiện ý chí chống Tống sau chiến dịch năm 1075-1076, nhưng lại biểu hiện xu hướng lâu dài của nước Đại Việt trong giai đoạn đó vừa giữ gìn các di sản Trung Hoa bị mất ở phương Bắc vừa phát huy bản sắc dân tộc nhằm mục đích dựng nước và giữ nước.